» Tin tức

Bộ Xây dựng: Triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP

Ngày 14/5/2013, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng tại khu vực phía Bắc. Đây là những Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn tồn tại khá nhiều bất cập: sự phát triển không có kế hoạch, thiếu trọng tâm trọng điểm cũng như cơ chế kiểm soát dẫn đến sự không đồng bộ giữa mở rộng không gian và chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực của xã hội…

Để giải quyết những bất cập trên, Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (gọi tắt là Nghị định 11) đã được ban hành thay thế cho Nghị định 02/2006/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 02) và một số nội dung có liên quan đến phát triển đô thị trước đây được quy định tại một số văn bản QPPL khác. Đây là văn bản quan trọng và cũng là văn bản đầu tiên quy định một quy trình xuyên suốt cho công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị (ĐTPTĐT).

Theo Bộ trưởng, so với Nghị định 02 và một số văn bản trước đây, Nghị định 11 quy định phải xác định khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện trước khi chấp thuận cho thực hiện dự án. Nghị định 11 quy định thống nhất về quy trình thủ tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các bên có liên quan trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị và nghiệm thu bàn giao sau khi dự án đã hoàn thành. Đây thực sự là một thay đổi căn bản trong quá trình đầu tư xây dựng tại các đô thị. Kể từ nay các dự án sẽ chỉ được chấp thuận cho triển khai nếu nằm trong khu vực phát triển đô thị và phù hợp với kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt. UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu và quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những khu vực phát triển đô thị cùng với kế hoạch thực hiện kèm theo.

Bên cạnh đó Nghị định 11 cũng quy định chặt chẽ về điều kiện của các chủ đầu tư được thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị nhằm hạn chế tình trạng các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án. Quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và bàn giao sau khi hoàn thành. Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phải đảm bảo thực hiện đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án.

Theo ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị: Có thể nói Nghị định 11 là một văn bản có nội dung quy định đầy đủ và toàn diện về công tác phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu quản lý phát triển cũng như nhu cầu của nhà đầu tư và người dân tại các đô thị. Đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước thiết lập lại trật tự trong ĐTPTĐT và hình thành các khu vực phát triển đô thị để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và kế hoạch, tránh dàn trải, theo phong trào, lãng phí nguồn lực… Đồng thời, là công cụ pháp lý để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đầu tư phát triển đô thị thông qua việc hình thành BQL khu vực phát triển đô thị.

Không những thế, Nghị định còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Nghị định 11 là một sự thay đổi lớn về tư duy quản lý trong lĩnh vực phát triển đô thị, trong đó có quy định về những công việc hoàn toàn mới. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng luôn sẵn sàng giải đáp và hướng dẫn các địa phương cũng như các doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai thực hiện Nghị định này, đảm bảo các quy định của Nghị định thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực cho công tác phát triển đô thị của đất nước. Dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết cho các nội dung của Nghị định.

Cũng trong chiều nay, Hội nghị sẽ tiếp tục phổ biến nội dung Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo và trình Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013, được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng, phù hợp với quan điểm và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của ngành xây dựng.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Facebook Chat +